
(PLO)- Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, kẻ gian giả danh nhân viên thu tiền nước, công an, tòa án, yêu cầu nạn nhân tải ứng dụng giả, quét mã QR hoặc cung cấp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản.
Trong thời đại công nghệ số, các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, nhắm vào tâm lý lo lắng hoặc mất cảnh giác của nạn nhân. Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất là giả mạo các tổ chức, cơ quan chức năng để dụ người dân bấm vào đường link độc hại hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Kẻ gian thường gửi tin nhắn hoặc email với nội dung yêu cầu nạn nhân bấm vào đường link để “cập nhật thông tin”, “tải ứng dụng”, “sửa lỗi tài khoản” hoặc “xác minh danh tính”. Khi truy cập, nạn nhân có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc vô tình tải về phần mềm gián điệp.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, hai nguyên tắc quan trọng cần ghi nhớ là “Không nhấp vào đường link lạ” và “Luôn xác minh thông tin” từ các nguồn chính thống trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến tài chính hoặc dữ liệu cá nhân.
Chiêu lừa mới: giả thu tiền nước, lừa tải ứng dụng
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, thường giả danh những tổ chức uy tín như ngân hàng, công an, tòa án, viện kiểm sát, nhà cung cấp dịch vụ điện, nước… để gửi tin nhắn hoặc gọi điện thông báo về một vấn đề khẩn cấp. Chúng đánh vào tâm lý hoang mang hoặc tạo ra sự hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân làm theo hướng dẫn mà không kịp suy nghĩ.
Một phương thức lừa đảo mới xuất hiện gần đây là giả danh tổng đài Công ty cấp nước, gọi điện thông báo khách hàng đang nợ tiền hóa đơn và sẽ bị cắt nước nếu không thanh toán kịp thời. Sau đó, kẻ gian yêu cầu nạn nhân kết bạn với một tài khoản Zalo tự xưng là nhân viên hỗ trợ, rồi hướng dẫn kiểm tra hóa đơn. Khi nạn nhân không phát hiện khoản nợ nào, chúng lập tức viện lý do rằng tài khoản chưa liên kết ngân hàng với hệ thống công ty và yêu cầu tải một ứng dụng có tên “Dịch Vụ Nước”.
Dù nạn nhân không thực hiện thao tác nào trong ứng dụng, kẻ gian vẫn tiếp tục dò hỏi về app ngân hàng mà nạn nhân sử dụng, sau đó gửi một mã QR và yêu cầu quét để “liên kết tài khoản”. Trên thực tế, hành động này khiến nạn nhân vô tình chuyển tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo. Để che giấu nội dung giao dịch, chúng còn yêu cầu nạn nhân đặt Căn cước công dân hoặc bằng lái xe che màn hình điện thoại, sau đó nhanh chóng bấm “Tiếp tục”, “Xác nhận” và nhập mã PIN để hoàn tất giao dịch.
Nhiều nạn nhân bị lừa tải ứng dụng có tên “Dịch Vụ Nước”. Công ty CP Cấp nước Trung An khẳng định không sử dụng ứng dụng có tên “Dịch vụ nước” để thu tiền nước.
Chị Huỳnh Thị Hiền, quận 12, TP.HCM, kể lại trải nghiệm suýt bị lừa: “Tôi nhận được cuộc gọi từ một số lạ, tự xưng là tổng đài công ty cấp nước, thông báo rằng tôi nợ tiền hóa đơn 2 triệu đồng và sẽ bị cắt nước nếu không thanh toán ngay. Vì trước giờ gia đình tôi luôn thanh toán đúng hạn nên tôi rất hoang mang và đã làm theo hướng dẫn. Người này yêu cầu tôi kết bạn với một nhân viên hỗ trợ trên Zalo để kiểm tra thông tin.
Sau khi kiểm tra hóa đơn mà không thấy khoản nợ nào, họ lại nói rằng tôi chưa liên kết tài khoản ngân hàng với công ty và bảo tôi tải ứng dụng “Dịch Vụ Nước”. Tiếp đó, họ gửi cho tôi một mã QR và yêu cầu quét để hoàn tất thủ tục. Đáng ngờ nhất là khi họ yêu cầu tôi dùng Căn cước công dân hoặc bằng lái xe che màn hình điện thoại trong lúc giao dịch, nói rằng đó là quy trình bảo mật. Nhận thấy điều bất thường, tôi dừng lại và gọi trực tiếp đến tổng đài công ty cấp nước để kiểm tra. Lúc này, tôi mới biết mình suýt bị lừa”.
Ngoài chiêu thức mạo danh nhân viên thu tiền nước, nhiều vụ lừa đảo giả danh cơ quan chức năng như công an, tòa án, viện kiểm sát vẫn liên tục xảy ra. Kẻ gian gọi điện hoặc nhắn tin thông báo nạn nhân liên quan đến một vụ án hình sự, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để “phục vụ điều tra”. Thậm chí, chúng còn ép nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định với lý do “chứng minh trong sạch”.
Không dừng lại ở đó, một số đối tượng còn gửi tin nhắn kèm đường link giả mạo, yêu cầu nạn nhân bấm vào để “xác minh danh tính” hoặc “kiểm tra hồ sơ vụ án”. Khi truy cập, nạn nhân có thể bị yêu cầu nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc vô tình tải phần mềm độc hại, từ đó tạo điều kiện cho kẻ gian đánh cắp dữ liệu và chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn tinh vi nhằm khiến nạn nhân mất cảnh giác và làm theo hướng dẫn mà không kịp kiểm tra lại thông tin.
Mới đây, một khách hàng bị lừa đóng tiền nước gần 8 triệu đồng. Một đại diện Công ty CP Cấp nước Trung An khẳng đây định là mã QR giả.
Không thu tiền nước qua tin nhắn Zalo, SMS hay Messenger kèm đường link
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Hải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Trung An, cho biết thời gian gần đây, TP.HCM xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả danh nhân viên ngành cấp nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng.
Thủ đoạn của các đối tượng này là gọi điện, nhắn tin đe dọa người dân về việc bị cắt nước do chậm thanh toán, sau đó gửi đường link lạ qua Zalo, SMS hoặc Messenger yêu cầu thanh toán. Khi khách hàng nhấp vào các đường link này, toàn bộ số tiền trong tài khoản có thể bị đánh cắp.
Để phòng tránh, Công ty Cổ phần Cấp nước Trung An khẳng định không thu tiền nước qua tin nhắn Zalo, SMS hay Messenger kèm đường link. Khách hàng chỉ nên thanh toán qua các kênh chính thống được công bố trên website chính thức của công ty: https://capnuoctrungan.vn. Các hình thức thanh toán hợp lệ bao gồm: MoMo, Payoo, VNPay, ZaloPay, ShopeePay, ViettelPay, Vikki, Internet Banking của các ngân hàng như Agribank, MBbank, Vietcombank, OCBbank và Kho bạc Gò Vấp.
Ngoài ra, công ty khẳng định không sử dụng ứng dụng có tên “Dịch vụ nước” để thu tiền nước. Khách hàng cần cảnh giác và báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Nếu khách hàng nghi ngờ bị lừa đảo, hãy liên hệ ngay Tổng đài 19001836 để được hỗ trợ. Khi cần trao đổi với khách hàng, Công ty Cổ phần Cấp nước Trung An liên hệ với khách hàng qua các kênh chính thống như: cuộc gọi định danh “TAWACO”; hoặc gửi tin nhắn SMS Brandname “TAWACO”; hoặc nhắn tin qua ứng dụng MY TAWACO.