Thi hành án bất khả thi, tòa tối cao hủy hai bản án trong vụ chia di sản thừa kế

(PLO) – Việc thi hành án không thể thực hiện được trong vụ án chia di sản thừa kế giữa các thành viên trong một gia đình tại tỉnh Q. Sau khi nhận được kiến nghị, Viện trưởng VKSND Tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại.

Khởi kiện yêu cầu chia di sản

Vụ án liên quan đến tài sản chung của vợ chồng cụ X là ngôi nhà cấp 4 và thửa đất diện tích 777,2 m². Cụ ông mất năm 2003 không để lại di chúc. Năm 2019, cụ bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện tách thửa, sau đó lập hợp đồng tặng cho thửa số 150 (480,2 m²) cho vợ chồng con trai là ông Th.

Không đồng tình, bà T (con gái cụ X) khởi kiện, yêu cầu chia di sản thừa kế của cha, tuyên hợp đồng tặng cho giữa cụ X và ông Th vô hiệu, hủy các giấy chứng nhận liên quan. Sau đó, bà T rút yêu cầu chia di sản, bị đơn (ông Th) có yêu cầu phản tố, đề nghị chia di sản và công nhận hợp đồng tặng cho.

TAND tỉnh Q xử sơ thẩm tháng 2-2022, tuyên hợp đồng tặng cho vô hiệu, công nhận diện tích đất là tài sản chung của vợ chồng cụ X, mỗi người sở hữu 338,6 m² và chấp nhận yêu cầu chia di sản của ông Th theo pháp luật.

Các đương sự kháng cáo. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng sau đó giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hình minh họa

Thi hành án gặp bế tắc, kháng nghị giám đốc thẩm

Sau xét xử phúc thẩm, vợ chồng ông Th có đơn đề nghị, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Q có văn bản kiến nghị vì không thể thi hành được án. Ngày 5-8-2024, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Đến ngày 5-12-2024, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy toàn bộ hai bản án sơ và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Q xét xử lại.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Theo VKSND Tối cao, hợp đồng tặng cho giữa cụ X và ông Th tuy đảm bảo hình thức, nhưng về nội dung đã vượt quá phần tài sản mà cụ X có quyền định đoạt. Phần đất tặng cho (480,2 m²) thuộc tài sản chung, nên cụ X chỉ có quyền với phần 444,11 m², phần còn lại 36,09 m² vượt quá phần sở hữu hợp pháp.

Tòa án xác định toàn bộ hợp đồng tặng cho vô hiệu là không chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận tặng. Bên cạnh đó, vợ chồng ông Th đang quản lý, sử dụng ổn định phần đất này, đã xây dựng nhiều công trình kiên cố (nhà, quán, bếp, nhà vệ sinh…), còn cụ X không ở trên đất tranh chấp.

Phán quyết buộc ông Th tháo dỡ toàn bộ tài sản để trả đất lại cho cụ X là không khả thi, gây ảnh hưởng lớn đến kết cấu công trình và gây khó khăn cho công tác thi hành án. Theo VKSND Tối cao, tòa cần giao cho ông Th toàn bộ thửa đất được tặng cho, đồng thời buộc thanh toán phần giá trị đất chênh lệch nếu có, nhằm phù hợp thực tế sử dụng và ổn định quyền lợi của các bên.

VKSND Tối cao đã ra thông báo gửi đến các VKSND cấp dưới để rút kinh nghiệm trong việc kiểm sát giải quyết các vụ tranh chấp tương tự.

Cùng chuyên mục

(PLO) – Hai bị cáo Bùi Thế Dzu và Phạm Nghiêm Minh tìm người lo lót cho nhà hàng karaoke không bị kiểm tra, nhưng ...

(SGGPO) – Chiều 19-6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử kháng cáo của các bị cáo và đại ...

(SGGPO) – Bình Dương: Bắt khẩn cấp đối tượng đạp ngã người lái xe công nghệ Tối 18-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình ...

(PLO)- Cựu Tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà nộp đơn kháng cáo nhưng quá hạn. Sau đó, ông Trà nộp thêm đơn xin giảm ...

(PLO)- Bị cáo Đỗ Thị Thu Hiền, cựu kế toán trưởng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai lãnh 20 năm tù do tham ô hơn ...

(PLO)- Lợi dụng một số hụi viên không đến bỏ thăm, nữ chủ hụi đã tự ý lấy tên của những người này hoặc những ...