(PL)- “Từ 5-12, giấy đỏ ghi đầy đủ tên các thành viên trong gia đình”. Cách đặt tít ngắn gọn này của một số tờ báo để giới thiệu về một quy định mới của Bộ TN&MT đang làm cho nhiều người hốt hoảng vì e ngại những rắc rối, phiền hà.
Nhiều người thắc mắc nhà, đất là tài sản của vợ, chồng, cớ gì phải ghi hết tên người trong gia đình vào giấy? Khi đã ghi rồi, nếu muốn bán, cho… thì phải chờ hết thảy gật đầu, rồi lỡ có ai đó không đồng ý chuyển nhượng thì phải “chịu phép” hay sao?… Ôi thôi là đủ mối lo, nhất là khi thủ tục về nhà, đất từng thay đổi xoành xoạch, nhiều người đã buông lời trách cứ “ông” bộ đang đơn giản lại làm cho phức tạp khiến dân khổ sở hơn…
Thực ra thì nhiều người đã nhầm. Việc ghi đầy đủ tên của những người trong gia đình không phải được áp dụng đối với tất cả trường hợp sử dụng đất mà chỉ dành cho đất của hộ gia đình. Việc cấp giấy đỏ cho đất của cá nhân vẫn thực hiện như trước giờ không phân biệt cá nhân đó có sống cùng với thân nhân hay không. Nếu nhà, đất của một người thì vẫn chỉ ghi tên một người, nếu của vợ chồng thì vẫn chỉ ghi tên của vợ chồng, tức không có gì thay đổi.
Người dân đang làm giấy đỏ tại huyện Bình Chánh. Ảnh: HTD
Đối với đất của hộ gia đình, chính xác là từ ngày 5-12, khi Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT có hiệu lực thì việc ghi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (nói gọn là giấy đỏ) có một số thay đổi. Trên giấy sẽ ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số CMND (hoặc căn cước công dân…) của chủ hộ gia đình cùng địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số CMND (hoặc căn cước công dân…) của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Còn thế nào là đất của hộ gia đình thì câu trả lời là: Đất mà những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất (theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013).
Như vậy là tới đây, đối với đất của hộ gia đình thì giấy đỏ sẽ ghi nhiều tên người trong hộ hơn, không chỉ có tên chủ hộ và tên vợ hoặc chồng của chủ hộ như trước giờ mà còn có thể có cả tên của cha, mẹ, các con… nếu họ là những người đồng sử dụng đất, đồng sở hữu nhà với chủ hộ.
Cách ghi đầy đủ tên như thế cũng phù hợp với cách ghi vẫn được làm lâu nay đối với các thửa đất có nhiều tổ chức, cá nhân… cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, chẳng qua với các cá nhân thì có thể là người dưng, còn với hộ gia đình sử dụng đất thì là người thân của nhau. Thông qua đó, quyền lợi và nghĩa vụ của từng thành viên đối với diện tích đất thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung sẽ rõ ràng, chặt chẽ hơn, đỡ phát sinh tranh chấp.