(PLO)- Ngày 12-11, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM sẽ tiến hành đề nghị mức hình phạt đối với bà Trương Mỹ Lan cùng 47 người khác trong vụ án.
Sau một tuần xét xử (từ ngày 4-11 đến 8-11), phiên toà phúc thẩm đối với bà Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác trong giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát đã kết thúc phần xét hỏi.
Toà tạm nghỉ và sẽ tiếp tục lại vào ngày 12-11 với phần tranh luận và đề nghị mức hình phạt của đại diện VKS.
Tất cả 48 bị cáo kháng cáo trong phiên toà xét xử phúc thẩm đều xin giảm nhẹ hình phạt, không có ai kêu oan. Trong số đó, bà Trương Mỹ Lan xin HĐXX cấp phúc thẩm xem xét bản án sơ thẩm một cách thấu đáo và đánh giá lại hành vi phạm tội, bối cảnh phạm tội của mình.
Trong phần trình bày, bà Lan nói nhiều về quá trình hình thành gia tộc của mình, quá trình, lý do tham gia vào tái cấu trúc ngân hàng SCB và những việc làm đã giúp cho xã hội, cho người dân.
Bà Trương Mỹ Lan nói không kêu oan mà chỉ xin cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo lại bối cảnh, hoàn cảnh phạm tội của mình. Ảnh: NGUYỆT NHI
Về hành vi, bị cáo Lan khẳng định bản thân không nắm một chức vụ nào trong ngân hàng SCB, chưa bao giờ nhân danh Tập đoàn VTP hay cá nhân đứng ra giao dịch vay tại ngân hàng SCB…
Bị cáo này cũng giải thích về khối tài sản của mình có được xuất phát từ gia đình, kinh doanh từ những năm trước 1975. Thời điểm đó bất động sản còn rẻ, nên gia đình bị cáo sử dụng vàng mà mẹ bị cáo tích góp để mua và tạo lập nên khối tài sản này.
Về trách nhiệm dân sự của vụ án, bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17-10-2022, tương đương số tiền là 673.800 tỉ đồng.
Tại phiên phúc thẩm, bà Lan nhiều lần khẳng định sẽ dùng toàn bộ số tiền mà các đối tác còn đang nợ như: Hai Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh trả lại 6.000 tỉ đồng; Công ty Quốc Cường Gia Lai trả lại 2.882 tỉ đồng; Công ty Phương Trang trả lại 1.200 tỉ đồng; Công ty địa ốc Hồng Phát trả 2.355 tỉ đồng… để nộp cho cơ quan thi hành án.
Cạnh đó, bà Lan một lần nữa xác định trường hợp 1.121 mã tài sản giống như bản án sơ thẩm đã tuyên dùng để khắc phục hậu quả của vụ án thì sau khi định giá lại trong quá trình thi hành án mà không đủ để khắc phục hậu quả thì sẵn sàng dùng 658 tài sản khác của mình dùng để khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, bà Lan cũng xin HĐXX cho xin lại một số tài sản như: Biệt thự cổ tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, đây là căn nhà cổ mà mẹ bị cáo mua tặng cho con gái; tòa nhà tại địa chỉ 19-25 đường Nguyễn Huệ (trụ sở SCB) có nguồn gốc là từ mẹ của mình mua từ lúc đường Nguyễn Huệ còn có con kênh; tài sản tại số 21 đường Trần Cao Vân; số 24 đường Lê Lợi; 2 du thuyền; ô tô…
Đối với các bị cáo khác trong vụ án, tại phiên toà phúc thẩm trình bày một số tình tiết giảm nhẹ mới như: nộp thêm tiền khắc phục, bằng khen của Cơ quan, tổ chức Nhà nước…. và những tình tiết mà cấp sơ thẩm chưa xem xét áp dụng để VKS và HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Về kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, trong phần xét hỏi của luật sư đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư cho biết hiện Công ty Quốc Cường Gia Lai đã rút kháng cáo, đồng nghĩa với việc công ty này sẽ trả lại cho bà Lan 2.882 tỉ đồng và bà Lan đồng ý dùng số tiền này nộp để khắc phục hậu quả vụ án.
Đối với kháng cáo của hai Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc tập đoàn Tuần Châu), tại toà đại diện của hai công ty này cũng có những trình bày đáng chú ý.
Theo đó, bản án sơ thẩm xác định bị cáo Trương Mỹ Lan có chuyển cho phía Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh số tiền 6.095 tỉ đồng và tiền này là từ ngân hàng SCB, vì vậy cần phải thu hồi số tiền này về cho ngân hàng SCB để đảm bảo thu hồi khắc phục hậu quả cho vụ án. Bản án sơ thẩm tuyên buộc Công ty T&H Hạ Long và Công Âu Lạc Quảng Ninh nộp lại số tiền 6.095 tỉ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong trong toàn bộ vụ án.
Tại toà, đại diện của hai công ty này xác định đồng ý nộp lại hơn 6.000 tỉ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan và yêu cầu giải tỏa kê biên các tài sản đã bị kê biên kèm theo là huỷ các hợp đồng khung mà hai bên đã ký kết.
Cạnh đó, đại diện hai công ty cũng đề nghị cấp phúc thẩm xác định rõ nghĩa vụ phải thi hành án của từng công ty trong việc trả lại hơn 6.000 tỉ đồng để quá trình thi hành án được thuận lợi.