(Dân trí) – Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết chưa gặp trường hợp nào từng có án tích lại thăng tiến tới chức Thứ trưởng như ông Đỗ Thắng Hải ở Bộ Công Thương.
Thông tin cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và ông Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) từng phải nhận án tù, đã được xóa án tích khiến dư luận bất ngờ.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao ông Đỗ Thắng Hải từng có án tích lại có thể “leo” tới chức Thứ trưởng Bộ Công Thương?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định suốt quá trình công tác của mình chưa từng gặp trường hợp nào có án tích (dù đã được xóa án tích) mà thăng tiến đến chức vụ cao như ông Đỗ Thắng Hải.
“Trường hợp cán bộ bị kỷ luật sau đó có thay đổi tốt, thể hiện được năng lực trình độ và được cất nhắc đề bạt chức vụ cao hơn thì tôi đã từng gặp nhiều. Nhưng như trường hợp ông Đỗ Thắng Hải thì chưa từng gặp”, ông Phúc nói.
Từ đó, ông Phúc cho rằng cơ quan thẩm quyền cần rà soát, kiểm tra lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm đối với 2 cán bộ nêu trên, đặc biệt đối với ông Đỗ Thắng Hải, bởi với cấp Thứ trưởng thường được “làm rất kỹ lưỡng”.
Một chuyên gia về lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp) cũng bất ngờ trước thông tin ông Đỗ Thắng Hải và ông Nguyễn Lộc An từng có án tích.
Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ người bị kết án về hành vi phạm tội mà sau đó chấp hành xong hình phạt tù và trải qua thời gian thử thách thì được xóa án tích. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
Theo Luật Lý lịch tư pháp, một người đã được xóa án tích thì trong phiếu lý lịch tư pháp sẽ không ghi nhận. Cụ thể, tại phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định, đối với người được xóa án tích và thông tin về việc xóa án tích đã được cập nhật vào lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
Dù vậy, theo vị này, việc bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí, chức danh cần phải căn cứ trên nhiều quy định, trong đó có pháp luật chuyên ngành. Ví dụ, một số lĩnh vực như luật sư, thẩm phán, công chứng viên, thừa phát lại sẽ không bổ nhiệm, cấp chứng chỉ với những người từng có án tích – dù đã được xóa án tích.
Do đó, việc ông Đỗ Thắng Hải từng có án tích vẫn có thể “leo” lên chức Thứ trưởng Bộ Công Thương cần phải đối chiếu, xem xét dựa trên các quy định về cán bộ, quy định của Bộ Công Thương trong thời kỳ đó.
“Đây là trường hợp rất đặc biệt, chưa từng thấy”, vị chuyên gia bình luận.
Chung quan điểm, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đặt ra hàng loạt vấn đề cần làm rõ: Tại thời điểm bổ nhiệm cán bộ, cơ quan chức năng có phát hiện 2 cán bộ trên từng vi phạm pháp luật hay không? Thời điểm đó họ đã được xóa án tích chưa? Điều kiện, tiêu chí tuyển dụng thời điểm đó được quy định như thế nào và ai là người có trách nhiệm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt 2 cán bộ trên?
Ngoài ra, theo luật sư Cường, cũng làm rõ quá trình lựa chọn nhân sự, xây dựng cán bộ nguồn vào những chức vụ quan trọng như vậy có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nào? Trường hợp phát hiện “lỗ hổng” trong công tác tổ chức cán bộ, cần phải bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời “bịt lại”.
Đặc biệt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường đề xuất sắp tới thông qua việc giải quyết vụ án hình sự mà tòa án phát hiện có sai phạm trong công tác cán bộ, bỏ lọt các cán bộ không đủ năng lực phẩm chất đạo đức vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội thì cần phải xem xét trách nhiệm đối với những người liên quan.