Cuối tháng 7.2018, TAND TP.Hà Nội sẽ đưa vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ và 2 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm.
Đây là vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận, tuy nhiên theo thông tin từ TAND TP.Hà Nội, vụ án sẽ được xét xử kín.
Theo diễn biến sự việc,
Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”, 42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79, nay là Công ty CP đầu tư và phát triển Chấn Phong) được nhiều người biết đến là một đại gia bất động sản, chủ nhiều lô đất vàng tại khu vực trung tâm Đà Nẵng và nhà hàng nổi ven sông Hàn.
Tháng 12.2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, theo điều 263 bộ luật Hình sự 1999. Tội danh này có khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Tối 21.12.2017, cơ quan điều tra khám nhà riêng của ông Vũ ở Đà Nẵng. Thời điểm công an khám xét, ông Vũ không có mặt tại nơi cư trú. Sau đó, cơ quan an ninh điều tra ra quyết định truy nã đối với Vũ. Một thời gian ngắn sau đó, Bộ Công an phát thông báo cho biết cơ quan điều tra đã bắt được Vũ “nhôm” để phục vụ điều tra.
Liên quan vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước nói trên, cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm 2 bị can gồm ông Phan Hữu Tuấn (63 tuổi), nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo – Bộ Công an và ông Nguyễn Hữu Bách (55 tuổi), cán bộ Bộ Công an.
Ngoài vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” sắp bị đưa ra xét xử, Vũ “nhôm” còn đang bị điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trốn thuế…
Sở dĩ việc đưa vụ án ra xét xử kín được dư luận rất quan tâm, bởi bị can Vũ “nhôm” được biết đến nhiều là một doanh nhân, trong khi tội danh bị khởi tố là cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, đồng thời đồng phạm là những cán bộ từng trong ngành công an. Bên cạnh đó, trong vụ án này, ngoài những thông tin khởi tố, thông tin khám xét và một số thông tin liên quan việc Phan Văn Anh Vũ “lũng đoạn” đất đai ở nhiều địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng, khiến nhiều quan chức bị kỷ luật, xử lý, thậm chí khởi tố, thì thông tin liên quan tội danh của bị can Vũ vẫn luôn là một ẩn số.
Không ảnh hưởng quyền tiếp cận thông tin của người dân
Theo điều 25 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Trong vụ án liên quan Vũ “nhôm” xét xử kín, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long nhìn nhận ngay điều luật Vũ “nhôm” phạm tội đã phù hợp với tiêu chí của điều 25 bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Vì vậy, nếu cho rằng nội dung vụ án có những thông tin bí mật nhà nước thì HĐXX quyết định xét xử kín là phù hợp.
“Việc xử kín thì mọi người, kể cả phóng viên, nhà báo cũng không được tham dự phiên tòa, trừ HĐXX, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người cần thiết khác do HĐXX triệu tập. Dù xử kín nhưng luật cũng đã quy định tuyên án phải công khai, nên sau phần nghị án, HĐXX vào tuyên án thì mọi người có thể tham dự, ghi nhận và bản án cũng sẽ phát hành công khai nên sẽ không ảnh hưởng quyền tiếp cận thông tin của người dân hay các cơ quan truyền thông, báo chí. Đồng thời, quy định này đảm bảo rằng phán quyết của tòa án phải được công khai, sẽ được nhân dân, xã hội giám sát nên việc phán xử không thể tùy tiện”, ông Vũ Phi Long cho hay.
Luật sư Hoàng Thế Hà, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết xử kín là một chế định đã được quy định ngay từ bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đầu tiên. “Việc quy định về xử kín là hoàn toàn hợp lý, vì lợi ích của đất nước, xã hội, vì lợi ích của đương sự, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự của đương sự trong vụ án. Quy định này cũng phù hợp với hầu hết luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới”, luật sư Hà nói.