(PL)- Một trong bốn bị cáo từng bị lãnh án nhưng trong hồ sơ lại thể hiện không có tiền án, tiền sự khiến tòa cho hưởng án treo sai luật.
VKSND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản báo cáo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xem xét, kháng nghị tái thẩm theo hướng hủy một phần bản án hình sự của TAND thị xã Sông Cầu để điều tra, xét xử lại vì một bị cáo có tiền án, tiền sự nhưng bản án đã bỏ quên.
Thách thức nhau qua Facebook
Trước đó TAND thị xã Sông Cầu đã tuyên xử Võ Anh Nhuận một năm tù, Nguyễn Thị Hòa sáu tháng cải tạo không giam giữ, Nguyễn Hữu Danh và Lưu Văn Cường mỗi bị cáo chín tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội cố ý gây thương tích.
Theo hồ sơ, bị cáo Nhuận và anh B. (chồng cũ của bị cáo Hòa) có mâu thuẫn nên thách thức đánh nhau thông qua mạng Facebook và điện thoại. Tối 8-11-2016, sau khi cãi nhau qua điện thoại với anh B., bị cáo Nhuận nói Hòa dẫn mình tới nhà anh B. để giải quyết mâu thuẫn.
Ban đầu bị cáo Hòa không đồng ý nhưng sau đó đổi ý và dẫn Nhuận đến nhà chồng cũ. Nhuận gọi điện thoại rủ thêm hai bị cáo Danh và Cường cùng đi đánh anh B. Nhuận chở Cường cầm ba cây phảng (giống cây rựa nhưng cán dài hơn, lưỡi thẳng, dùng để phát bờ ruộng – PV).
Bị cáo Danh tự chạy một xe máy khác cầm theo một cây kiếm tự chế, còn Hòa chở Nguyễn Thị Vân (bạn Hòa), tất cả cùng đến nhà anh B. Cả nhóm dựng xe ở ngoài đường, lúc này Vân có khuyên Nhuận không nên đánh người nhưng bị cáo này không nghe.
Khi đến gần nhà anh B., Danh đứng lại, Hòa chỉ vị trí nhà rồi quay ra. Bị cáo Nhuận đi vào nhà thì thấy anh B. đang nằm ngủ trên võng nên cầm cây phảng chém trúng tay phải. Anh B. tỉnh dậy, giơ tay lên đỡ và bỏ chạy nhưng vẫn bị Nhuận chém trúng đùi. Khi anh B. kêu cứu thì các bị cáo Nhuận, Danh, Cường, Hòa, Vân cùng bỏ chạy…
Kết luận giám định pháp y xác định tỉ lệ thương tích của bị hại B. là 20%.
Xử sơ thẩm ngày 30-5, TAND thị xã Sông Cầu đã tuyên phạt bốn bị cáo mức án như trên. Riêng Nguyễn Thị Vân, tòa nhận định tuy đi theo nhóm của Nhuận nhưng mục đích để khuyên ngăn Nhuận nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do không có kháng cáo, kháng nghị nên bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành. Ngày 6-7, chánh án TAND thị xã Sông Cầu có văn bản ủy thác thi hành án cho TAND huyện Tuy Phước để ra quyết định thi hành án đối với hai bị cáo Danh và Cường.
Đang thi hành án trật ra tình tiết mới
Hơn một tháng sau VKSND thị xã Sông Cầu nhận được thông báo của VKSND huyện Tuy Phước cung cấp nội dung: Ngày 19-3-2016, bị cáo Cường cùng hai người khác có hành vi dùng hung khí đập ô tô của anh P. gây thiệt hại 10,4 triệu đồng.
Tháng 11-2016, Cường bị TAND huyện Tuy Phước xử phạt một năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Bản án này đã có hiệu lực pháp luật, được chánh án TAND huyện Tuy Phước ra quyết định thi hành.
Theo VKSND tỉnh Phú Yên, hồ sơ vụ án thể hiện quá trình điều tra khi Công an thị xã Sông Cầu đề nghị Công an xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) xác nhận lý lịch bị can Cường thì kết quả cho thấy Cường không có tiền án, tiền sự.
Bản án sơ thẩm của TAND thị xã Sông Cầu đã xử phạt bị cáo Cường và các đồng phạm về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành thì phát hiện Cường đang thi hành bản án của TAND huyện Tuy Phước. Do lý lịch của Cường không đúng sự thật dẫn đến khi xét xử, TAND thị xã Sông Cầu không biết Cường đã bị xét xử về tội cố ý làm hư hỏng tài sản nên tuyên cho Cường được hưởng án treo.
Theo điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo) thì việc tòa sơ thẩm cho bị cáo Cường hưởng án treo là không đúng luật.
VKSND tỉnh cho rằng bị cáo Cường có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác nhưng xác minh lý lịch bị can lại không có nội dung này, mà chỉ được phát hiện khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đây là tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án sơ thẩm của TAND thị xã Sông Cầu đối với bị cáo Cường mà khi xét xử tòa không biết được.
Quy định liên quan
Không cho hưởng án treo nếu trong hồ sơ thể hiện ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác. (Trích điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) |