(PL)- Quy định này chấm dứt tình trạng VKS rút quyết định truy tố chỉ bằng… công văn.
Báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trường hợp VKSND tỉnh Khánh Hòa rút quyết định (QĐ) truy tố bằng một công văn. Theo đó, cáo trạng truy tố bị cáo X. về hai tội. Trong thời gian chuẩn bị xét xử, VKS tỉnh có công văn gửi tòa án cùng cấp với nội dung rút truy tố đối với bị cáo X. về một tội. Vụ việc này nhiều chuyên gia cho rằng việc rút truy tố bằng công văn là sai…
Mới đây viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành QĐ số 505 ban hành quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự. QĐ này có hiệu lực từ ngày 1-1 và thay thế QĐ số 960 ngày 17-9-2007.
Nội dung đáng chú ý trong QĐ 505 là việc rút truy tố phải lập bằng QĐ theo đúng mẫu ban hành kèm theo QĐ này. Cụ thể, trước khi mở phiên tòa, nếu xét thấy có căn cứ rút một phần hay toàn bộ QĐ truy tố thì kiểm sát viên (KSV) được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án phải báo cáo đề xuất lãnh đạo VKS xem xét, QĐ. Việc rút QĐ truy tố phải bằng văn bản và nêu rõ lý do. QĐ rút QĐ truy tố được lập theo mẫu của VKSND Tối cao và lưu hồ sơ kiểm sát. Trường hợp rút toàn bộ QĐ truy tố thì đề nghị tòa án đình chỉ vụ án.
Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để rút một phần hay toàn bộ QĐ truy tố hoặc kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi QĐ truy tố hoặc đường lối xử lý đã được lãnh đạo VKS cho ý kiến thì KSV QĐ và phải chịu trách nhiệm về QĐ của mình. Sau phiên tòa, KSV phải báo cáo ngay với lãnh đạo VKS. Trường hợp có đủ căn cứ để kết luận về một tội danh khác nặng hơn thì KSV đề nghị HĐXX trả hồ sơ vụ án cho VKS để xem xét và báo cáo lãnh đạo.
Đối với vụ án do VKS cấp trên phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố, nếu tại phiên tòa có những tình tiết khác với nội dung truy tố của VKS cấp trên thì KSV đề nghị hoãn phiên tòa và báo cáo lãnh đạo VKS cấp mình để báo cáo viện trưởng VKS cấp trên xem xét, QĐ. Nếu HĐXX vẫn tiếp tục xét xử thì KSV phải tham gia phiên tòa và phát biểu quan điểm. Sau phiên tòa, KSV phải báo cáo ngay với lãnh đạo VKS cấp mình để báo cáo viện trưởng VKS cấp trên xem xét, QĐ.
Tại phiên tòa, nếu KSV rút toàn bộ QĐ truy tố không có căn cứ nhưng HĐXX vẫn chấp nhận và tuyên bị cáo không phạm tội thì VKS cùng cấp hoặc VKS cấp trên trực tiếp phải kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Nếu tòa có kiến nghị với viện trưởng VKS cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp về việc KSV rút toàn bộ QĐ truy tố tại tòa không có căn cứ thì viện trưởng VKS nhận được kiến nghị nghiên cứu, QĐ hủy việc rút QĐ truy tố và thông báo bằng văn bản cho tòa án đã kiến nghị biết…