VKSND Tối cao quy định về 6 trường hợp được xem xét lại quyết định khiếu nại đã có hiệu lực

(PLO)- Theo VKSND Tối cao, nếu người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết, thì được xác định là đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Từ năm 2023, VKSND Tối cao đã có hướng dẫn để VKSND các cấp kiểm tra, xử lý đối với các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật, tháng 8-2023 VKSND Tối cao đã ban hành hướng dẫn để VKSND các cấp thực hiện thống nhất đối với công tác này.

Cụ thể là các trường hợp khiếu nại trong hoạt động tư pháp có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKS, nếu người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết, thì được xác định là đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

quyết định khiếu nại
Sau khi VKSND Tối cao yêu cầu, VKSND tỉnh Vĩnh Long đã huỷ các quyết định giải quyết khiếu nại trong vụ tai nạn giao thông ở huyện Trà Ôn tháng 9-2024. Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp

VKSND Tối cao cũng nêu rõ, đơn đề nghị kiểm tra lại chỉ được xem xét kiểm tra khi có ít nhất 1 trong 6 điều kiện:

– Đơn bức xúc, kéo dài: là những vụ việc công dân liên tục có đơn khiếu nại hoặc thường xuyên đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan nhà nước từ Trung ương hoặc địa phương để khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKSND cấp dưới hoặc VKSND Tối cao trong một khoảng thời gian dài nếu không xem xét giải quyết có thể sẽ dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội.

– Đơn về vụ việc có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm: là những vụ việc thông qua nghiên cứu đơn của công dân, quyết định giải khiếu nại của VKSND cấp dưới phát hiện trong quá trình giải quyết vụ việc, giải quyết khiếu nại có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm nhưng không được VKS có thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.

– Đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: là đơn do các đồng chí lãnh đạo tại Trung ương chuyển đến như: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao…

– Đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm: là những vụ việc được Cơ quan báo chí phản ánh qua bài viết, đưa tin đăng lên các trang mạng xã hội, truyền thông và được dư luận quan tâm, chia sẻ rộng rãi.

– Đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương: là những vụ việc trong quá trình giải quyết có liên quan đến nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương xét thấy cần thiết phải kiểm tra xem xét thận trọng để đảm bảo giải quyết đúng pháp luật, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại Trung ương hoặc địa phương.

– Đơn có tình tiết mới làm thay đổi kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại nhưng VKS đã ban hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật không xem xét: là những vụ việc trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc, kết quả giải quyết nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết không biết hoặc không xem xét.

Trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật phát hiện có vi phạm nghiêm trọng, vụ việc có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm thì ngoài ban hành kết luận kiểm tra, VKS có thẩm quyền kiểm tra còn phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời, ban hành quyết định hủy bỏ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tố tụng để giải quyết lại vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp qua kiểm tra lại phát hiện thấy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa áp dụng hết các biện pháp mà pháp luật quy định nhằm xác định bản chất vụ việc đã ban hành quyết định tố tụng (Quyết định không khởi tố vụ án hình sự…), quyết định giải quyết khiếu nại thiếu căn cứ hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản về nội dung giải quyết khiếu nại trước đó thì ngoài ban hành kết luận kiểm tra, VKS có thẩm quyền kiểm tra phải hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại; đồng thời ban hành quyết định hủy bỏ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tố tụng để giải quyết lại vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục

(PLO) – Hai bị cáo Bùi Thế Dzu và Phạm Nghiêm Minh tìm người lo lót cho nhà hàng karaoke không bị kiểm tra, nhưng ...

(SGGPO) – Chiều 19-6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử kháng cáo của các bị cáo và đại ...

(SGGPO) – Bình Dương: Bắt khẩn cấp đối tượng đạp ngã người lái xe công nghệ Tối 18-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình ...

(PLO)- Cựu Tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà nộp đơn kháng cáo nhưng quá hạn. Sau đó, ông Trà nộp thêm đơn xin giảm ...

(PLO)- Bị cáo Đỗ Thị Thu Hiền, cựu kế toán trưởng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai lãnh 20 năm tù do tham ô hơn ...

(PLO)- Lợi dụng một số hụi viên không đến bỏ thăm, nữ chủ hụi đã tự ý lấy tên của những người này hoặc những ...