(PLO)- Vụ án bà Dương Ngọc Hường (71 tuổi, ngụ tại Bình Dương) kiện bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã được tuyên án vào chiều ngày 12-11 sau nhiều phiên xét xử.
Chiều 12-11, TAND quận 5 (TP.HCM) đã tuyên án vụ bà Dương Ngọc Hường (71 tuổi, ngụ tại Bình Dương) kiện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) sau nhiều phiên xét xử.
Theo đó, HĐXX đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa chiều nay, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hường cho rằng kết luận của Hội đồng chuyên môn có nhiều điểm sai.
Cụ thể, 4 phim X-Quang của bệnh viện gửi cho Bộ Y tế bị sai thông tin ngày tháng năm sinh của bà Hường. Tuy nhiên, Bộ Y tế không xem xét về vấn đề này. Ngoài ra, Hội đồng chuyên môn không mời bà Hường tham gia họp Hội đồng chuyên môn là vi phạm Luật khám chữa bệnh. Luật sư cho rằng một bản kết luận của Hội đồng chuyên môn bị sai thì không thể lấy làm căn cứ để Tòa xem xét giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, căn cứ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, tòa xác định bác sĩ và điều dưỡng tham gia khám, điều trị cho bà Dương Ngọc Hường của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM đã làm đúng quy trình chuyên môn khám, chữa bệnh. Trang thiết bị và dụng cụ phù hợp trong phẫu thuật chuyên ngành nội soi.
Quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện Nguyễn Tri Phương đối với bà Dương Ngọc Hường là đúng, không có sai sót. Do đó, yêu cầu bồi thường số tiền hơn 1,2 tỉ đồng của bà Hường là không có cơ sở. Tòa quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Hường.
Cũng theo HĐXX, bệnh viện có thiếu sót đó là bác sĩ phẫu thuật chưa tư vấn cặn kẽ cho người bệnh về diễn biến tự nhiên của bệnh lý thoái hóa khớp gối và hiệu quả điều trị bằng phương pháp phẫu thuật này. Tòa đề nghị bệnh viện cần khắc phục thiếu sót nhằm đảm bảo việc khám chữa bệnh đúng theo quy định Luật khám chữa bệnh.
Theo nội dung vụ án, hơn 10 năm trước, bà Hường đến khám và nhập viện điều trị tại Khoa xương khớp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Quá trình điều trị bác sĩ thông báo khớp gối của bà có gai và khô. Bà được tư vấn hướng điều trị là tiêm 5 mũi thuốc bổ sụn trong vòng 5 tuần. Bà đồng ý thực hiện theo cách điều trị này. Tuy nhiên, sau khi tiêm mũi đầu tiên thì chân bà đi lại khó khăn và phải ở lại bệnh viện để theo dõi.
Bà được mời qua Khoa chấn thương chỉnh hình để điều trị chuyên sâu với kỹ thuật cao hơn. Kết quả chụp MRI cho thấy bà bị thoái hóa khớp, gai xương, sụn bị rách. Bà được tư vấn mổ nội soi, cắt lọc tái tạo sụn chêm, khoan xương bằng kim để kích thích máu tủy chảy ra nuôi sụn mới. Trong vòng 2 tháng sẽ tái tạo được sụn mới.
Ngày 27-2-2014, bà được phẫu thuật nhưng 6 tuần sau phẫu thuật bà vẫn chưa đi lại được mặc dù đã tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bệnh viện. Bà phản ánh đến bác sĩ phẫu thuật, điều trị cho bà; đồng thời khiếu nại lên lãnh đạo bệnh viện. Tháng 10-2014, bà đến khám và kiểm tra khớp tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thì bác sĩ tư vấn bà phải thay khớp càng sớm càng tốt.
Tháng 11-2014, bà thay khớp gối tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh TP.HCM, chân bà đi lại được nhưng rất yếu.
Bà Hường cho rằng quá trình điều trị ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bà từ một người mang bệnh thoái hóa khớp gối mức độ nhẹ, vẫn đi lại được đã trở thành một người tàn phế vì khớp gối đã bị hư hỏng hoàn toàn.
Quá trình khiếu nại, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Sở Y tế TP.HCM đều có văn bản trả lời khẳng định việc phẫu thuật cho bà là đúng phương pháp và không phải là tai biến điều trị.
Do đó, bà Hường ngày 3-12-2015, bà Hường khởi kiện, yêu cầu Bệnh viện phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bà với số tiền tổng cộng là hơn 1,2 tỉ đồng bao gồm chi phí điều trị, phẫu thuật tại bệnh viện; chi phí thuốc men; di chuyển trong quá trình thăm khám; thu nhập thực tế bị mất; bồi thường thiệt hại về tinh thần,…