(PL)- Ngày 16-1, phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm gây chú ý với phần bào chữa bổ sung của ông Đinh La Thăng.
Trình bày lời bào chữa bổ sung, ông Đinh La Thăng nói: “Bị cáo lắng nghe và tôn trọng bản luận tội của đại diện VKS tại phiên tòa”. Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng mình đã đề nghị những nội dung nào không nằm trong quá trình điều tra, truy tố và diễn ra tại phiên tòa thì không đưa vào bản luận tội nhưng VKS vẫn đưa và quy kết ông có lợi ích nhóm.
Ông Thăng xin tại ngoại
“Mong VKS xem xét lại, ở doanh nghiệp người đi người đến là chuyện bình thường, việc thủ trưởng bổ nhiệm cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ là bình thường, không thể quy trách nhiệm việc ký bổ nhiệm là lợi ích nhóm. Những người ngồi ở đây, từ anh Thực (nguyên phó tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực) trở xuống đều là bị cáo bổ nhiệm. Bản thân bị cáo cũng được cấp trên bổ nhiệm” – ông Thăng nói.
“Mong VKS xem xét lại, ở đây không thuần túy là lời buộc tội, mà sau đó là lương tâm, trách nhiệm, danh dự của bị cáo và của cả một tập thể lớn PVN” – ông Thăng đề nghị.
Ông Thăng cũng nhắc lời vị đại diện VKS hôm 15-1 nói rằng “kiểm sát viên buồn vì trong vụ án này, cấp trên không nhận trách nhiệm mà đổ cho cấp dưới”. Ông Thăng cho rằng suốt quá trình tố tụng, ông đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhận trách nhiệm chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐTV PVN…
“Bị cáo luôn đề nghị các luật sư là các anh bào chữa gì thì bào chữa, tuyệt đối không được đổ lỗi cho Đảng, Chính phủ, không được đổ lỗi cho cấp dưới của bị cáo. Để nói đỡ cho bị cáo mà người khác bị tội thì bị cáo tuyệt đối không làm vậy” – ông Thăng nói thêm.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: TTX
Đáng chú ý, ông Thăng cho rằng chủ trương chỉ định thầu có từ năm 2006, khi ông chưa về PVN. Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương PVN được chỉ định các đơn vị thành viên tập đoàn. Ông cũng giải thích Kết luận 41 của Bộ Chính trị nêu nhiều vấn đề, trong đó có phát triển PVN trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của cả nước, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế. Trong kết luận nêu rất rõ ràng, do sản lượng dầu khí của Việt Nam hạn chế nên phải tăng nhanh doanh thu từ hoạt động dịch vụ, 10%-15% tăng lên 30%-35%. “Kết luận 41 không thể nêu cụ thể về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 hay Dung Quất, Cà Mau 1, Cà Mau 2…” – ông Thăng nhấn mạnh.
Đầu giờ chiều, khi được tiếp tục trình bày, ông Thăng đề nghị HĐXX và VKS xem xét cho mình và các bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái… được thay đổi hình thức ngăn chặn vì một số bị cáo khác đã được tại ngoại rồi. “Bị cáo và một số bị cáo khác chắc không có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội” – ông Thăng nói.
VKS: Đã xem xét toàn diện
Đối đáp lại các luật sư và bị cáo, đại diện VKS khẳng định hiểu rất rõ tinh thần của BLTTHS 2015 nên “không chỉ nhăm nhăm vào các chứng cứ buộc tội”. “Ngay trong cáo trạng, hồ sơ, lời khai tại tòa của các bị cáo cũng thừa nhận việc PVN chỉ định PVC làm tổng thầu là không đúng nghị quyết của HĐTV PVN (nghị quyết chỉ định liên doanh tổng thầu)” – đại diện VKS nhấn mạnh.
Theo đại diện VKS, chính các bị cáo nguyên là lãnh đạo PVC đều thừa nhận ở thời điểm ký hợp đồng PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đại diện VKS sau đó dẫn lại báo cáo của PVC gửi HĐXX và VKS, thừa nhận PVC chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn như Thái Bình 2 nên chưa lường hết khó khăn khiến dự án bị kéo dài… “Lạ là bản thân người trong cuộc thừa nhận không đủ, người ngoài lại cứ bảo đủ rồi” – đại diện VKS bình luận.
“Phát triển phải có lộ trình, không chỉ là nguồn vốn mà còn là công nghệ, nguồn nhân lực. Đưa một dự án quá sức của họ thì sẽ để lại hậu quả và thực tế hậu quả đã xảy ra. Luật sư dẫn chứng về cầu Chương Dương, thủy điện Sơn La… nhưng nếu các vị luật sư nêu dẫn chứng về dự án Ethanol Phú Thọ thì sẽ thấy xót xa thế nào” – đại diện VKS nói.
Đại diện VKS khẳng định trong vụ án này, vai trò chủ mưu xuyên suốt là ông Đinh La Thăng. Vai trò của các bị cáo ở PVN là biết nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái. VKS đã xem xét, đánh giá hành vi sai phạm của vụ án, xâu chuỗi một loạt hành vi và xem xét đến trách nhiệm của từng bị cáo.
Đại diện VKS cũng cho hay VKS đã xem xét rất kỹ tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo. “Luật sư nêu tình tiết giảm nhẹ với các bị cáo như có chú và ông là liệt sĩ. Trường hợp băn khoăn nhất, có bị cáo cha vợ là liệt sĩ. Chúng tôi rất băn khoăn không biết nên đưa vào hay không. Tính đi tính lại, chúng tôi đưa vào khoản 2 Điều 91 là những tình tiết giảm nhẹ khác” – đại diện VKS nói.
“VKS thấy có đủ cơ sở buộc tội các bị cáo, đây là quan điểm của VKS. Trên cơ sở buộc tội của VKS, HĐXX sẽ cân nhắc, xem xét để ra bản án có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” – đại diện VKS khẳng định.
16 giờ 30 chiều, HĐXX thông báo thấy việc tranh luận đã đủ, việc đánh giá, xem xét thế nào thuộc về trách nhiệm của HĐXX. HĐXX tuyên bố chấm dứt phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án. Trước khi nghị án, các bị cáo được phép nói lời sau cùng vào 8 giờ sáng 17-1.
Ông Thanh nói chứng cứ buộc tội mơ hồ Về phần mình, ông Trịnh Xuân Thanh trình bày: “VKS nói quan điểm của luật sư và VKS là hai quan điểm khác nhau, VKS giữ nguyên quan điểm. Đối với tội tham ô không thể là quan điểm được mà phải là chứng cứ được xem xét khách quan”. HĐXX giải thích ông Thanh cần hiểu đúng vấn đề. VKS nêu quan điểm đánh giá chứng cứ chứ không phải quan điểm về đánh giá tội danh. Ông Thanh trình bày tiếp: “Chứng cứ VKS đưa ra để cáo buộc bị cáo tham ô rất mơ hồ. Cứ cho là ông Toàn (lái xe của ông Thanh) cầm gói tiền đi thì nó không thể là 1 tỉ, 2 tỉ, 3 tỉ hay 4 tỉ đồng, vì cứ chênh một cái là bị cáo đối diện với án tử hình. Cần phải hết sức thận trọng”… |