1. Vay tiền có giấy viết tay thì có khởi kiện để đòi nợ được không?

Xin chào, cho mình hỏi mình có cho một người bạn vay tiền, có giấy viết tay, bây giờ mình muốn lấy lại số tiền đó nhưng người bạn đó không trả, mình có đủ điều kiện để kiện không ạ?
Trả lời:

Thứ nhất, pháp luật không có quy định về hình thức của hợp đồng vay tài sản phải nhất định là văn bản công chứng hoặc chứng thực, căn cứ theo Bộ luật dân sự 2015 quy định:”Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Thứ hai, hình thức của giao dịch dân sự:

Theo quy định của bộ luật dân sự quy định Hình thức giao dịch dân sự có thể thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể.

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản….”

Như vậy: Pháp luật không thể hiện rõ yêu cầu về hình thức của Hợp đồng vay tiền và giấy vay tiền viết tay cũng là một hình thức giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận.

Thứ ba, các nguồn chứng cứ tại tòa và nghĩa vụ chứng minh theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 91. Nghĩa vụ chứng minh.
1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.
Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động;
c) Các trường hợp pháp luật cóu quy định khác về nghĩa vụ chứng minh….
4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.”
Điều 94. Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
2. Vật chứng.
3. Lời khai của đương sự.
4. Lời khai của người làm chứng.
5. Kết luận giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
9. Văn bản công chứng, chứng thực.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.”

Kết luận, Giấy vay tiền viết tay vẫn có thể coi là một hợp đồng dân sự bằng văn bản và vẫn có giá trị pháp lý bắt buộc, bạn có thể sử dụng giấy vay tiền viết tay để làm căn cứ đòi lại khoản tiền đã cho vay. Nếu phía bên vay tiền không trả bạn có thể gửi đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

2. Tin nhắn điện thoại có làchứng cứ chứng minh khoản vay tiền không?

 Năm 2017, khi còn yêu nhau, em có cho bạn trai vay mượn với số tiền là 20 triệu đồng. Hiện tại thì tụi em đã chia tay được 1 năm . Và số tiền đó bạn trai em cứ hứa hẹn là sẽ trả nhưng đến hẹn lại không trả (rất nhiều lần). Vì lúc đó đang trong thời gian yêu nhau nên em đưa cho bạn trai mượn số tiền mà không làm hợp đồng vay hoặc giấy ghi nợ nào, em chỉ có bằng chứng là tin nhắn.
Sau nhiều lần bạn trai em thất hứa và cảm thấy món nợ khó đòi, em có thể khởi kiện bạn trai em để em đòi lại số tiền đó không ạ? Nếu được em phải làm như thế nào ạ?
Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy pháp luật dân sự hiện hành không có quy định bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải được lập thành văn bản. Do đó, việc bạn cho vay tiền nhưng không lập thành văn bản mà chỉ giao kết bằng lời nói thì hợp đồng này vẫn có giá trị pháp lý, 2 bên vẫn có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, việc không xác lập văn bản khi vay mượn cũng rất khó khăn khi kiện tụng, do bên vay có thể chối hoàn toàn khoản nợ. Theo điều 94 và 95 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

Điều 94. Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;

2. Vật chứng;

3. Lời khai của đương sự;

4. Lời khai của người làm chứng;

5. Kết luận giám định;

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;

9. Văn bản công chứng, chứng thực;

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Điều 95. Xác định chứng cứ

1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.

Theo quy định trên thì tin nhắn điện thoại của bạn có thể coi là một chứng cứ trước tòa. Tuy nhiên, nếu ngoài ra bạn còn có chứng cứ nào khác thỏa mãn những quy định nêu trên thì bạn cũng nên tìm kiếm, bổ sung để có thể xác minh tốt hơn việc người yêu bạn đã vay tiền bạn.

Bạn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú để làm thủ tục khởi kiện theo quy định của pháp luật và để Tòa án tư vấn thêm việc thu thập bổ sung chứng cứ nếu cần thiết.