Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Đề xuất công chứng viên không được quá 70 tuổi

Đề xuất công chứng viên không được quá 70 tuổi

(PLO)- Dự thảo Luật Công chứng quy định độ tuổi hành nghề công chứng không quá 70, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị tính toán kỹ lưỡng, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Ngày 1-4, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

“Nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khỏe”

Một trong những điểm mới đáng chú ý là Điều 8 dự thảo đã bổ sung điều kiện về tiêu chuẩn đối với công chứng viên (CCV) là “không quá 70 tuổi và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.

Để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, dự thảo luật quy định chuyển tiếp đối với CCV trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là hai năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Quy định này nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng CCV hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm CCV thay thế số lượng CCV trên 70 tuổi thôi hành nghề.

Đề xuất công chứng viên không được quá 70 tuổi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành. Ảnh: QH

Thẩm tra sơ bộ dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho hay Thường trực ủy ban này cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm CCV như quy định tại dự thảo luật.

Tham gia thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi được thực hiện hoạt động công chứng của CCV. Lý do là điều này có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Cạnh đó, có ý kiến cho rằng CCV cao tuổi có nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề công chứng, nếu dự thảo luật giới hạn cứng nhắc độ tuổi hành nghề sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Ý kiến này cũng đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của CCV mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn độ tuổi hành nghề nhất định nhưng phải trên 70 tuổi.

Thảo luận nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm dẫn Bộ luật Lao động cùng một số luật chuyên ngành và góp ý nên sửa theo hướng quy định “không quá 65 tuổi”.

Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng việc giới hạn độ tuổi hành nghề của CCV. Bà dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khỏe.

“Nếu quy định cứng không quá 70 tuổi có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội nên cần có quy định khả thi hơn” – bà Thanh nhìn nhận.’

p3-vu-hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH

Đề nghị rà soát các hành vi bị nghiêm cấm

Liên quan đến quy định về hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật quy định cấm CCV tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

3.220

là số CCV trên cả nước sau tám năm thực hiện Luật Công chứng năm 2014; ngoài ra còn có 1.298 tổ chức hành nghề công chứng. Còn tại thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, cả nước có 1.180 CCV; 625 tổ chức hành nghề công chứng.

Đây là quy định kế thừa Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng quy định trên chưa phù hợp với BLDS.

“Thông tin trên văn bản công chứng liên quan đến nhiều bên, mà BLDS có nguyên tắc bí mật riêng tư không được xâm phạm. Bây giờ người yêu cầu công chứng đồng ý tiết lộ nhưng còn quyền của người liên quan thế nào?” – ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ một số quy định, tránh khi triển khai thực hiện có sự hiểu không thống nhất.

Ông Thanh dẫn chứng quy định cấm CCV “quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về CCV và tổ chức mình”; hay quy định cấm tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý; tham gia chia lợi nhuận trong giao dịch mà mình nhận công chứng.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, xác định rõ hành vi nào có tính chất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động công chứng cần nghiêm cấm thì mới quy định tại Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm.

“Những hành vi nào là nghĩa vụ của CCV, tổ chức hành nghề công chứng thì quy định tại các điều về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể này cho phù hợp” – ông Ngô Trung Thành nói.

Nên dần chuyển giao quản lý công chứng viên cho tổ chức nghề nghiệp

Liên quan đến quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV (tổ chức nghề nghiệp), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và khả năng tham gia của tổ chức này đến đâu trong việc quản lý CCV.

Theo ông Vương Đình Huệ, xu hướng là dần dần Nhà nước nên có sự chuyển giao việc quản lý CCV cho tổ chức nghề nghiệp. Kế toán, kiểm toán là một nghề rất quan trọng, được ví như “bác sĩ khám bệnh” cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Bây giờ cơ quan quản lý nhà nước không còn cấp chứng chỉ hành nghề, việc chuyển giao cho tổ chức nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề với kế toán viên, kiểm toán viên từng là một cuộc cách mạng.

Đương nhiên, tùy theo từng ngành, mức độ xã hội hóa và sự phát triển của nghề nghiệp đó đủ mạnh thì mới làm được việc này.

“Tuy nhiên, khi đã có tổ chức nghề nghiệp thì chúng ta cần phải tính đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, khả năng tham gia trong quản lý của CCV như thế nào” – ông Vương Đình Huệ nói.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn