Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Góp ý sửa Luật Đất đai: Cần chế tài dự án ‘treo’

Góp ý sửa Luật Đất đai: Cần chế tài dự án ‘treo’
(PLO)- Theo Hội Luật gia TP.HCM, để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất nằm trong khu vực quy hoạch thì cần chế tài xử lý khi có dự án “treo”.

Sáng 17-2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cần xử lý vấn đề dự án “treo”

Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Lợi (Phó Ban tư vấn dân chủ – pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1, TP.HCM) cho rằng về việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, các quy định của dự thảo luật đã sửa đổi tương đối thỏa đáng, nhất là các quy định về việc tái định cư. Tuy nhiên, Điều 85 dự thảo (quy định trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) đã giao cho xã tổ chức họp dân để phổ biến và tiếp thu ý kiến rồi phối hợp kiểm đếm để thu hồi. Nếu người bị thu hồi không đồng ý thì vận động, thuyết phục và sau đó sẽ cưỡng chế mà không có quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của người dân.

Góp ý sửa Luật Đất đai: Cần chế tài dự án 'treo' ảnh 1
Bà Phan Kiều Thanh Hương (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, đứng) và bà Ung Thị Xuân Hương (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) chủ trì hội nghị. Ảnh: YẾN CHÂU

Thực tế làm công tác vận động di dời các dự án trên địa bàn trung tâm nhiều năm qua, bà Lợi thấy không phải dự án nào cũng thực hiện đúng mục đích sử dụng đất đã thu hồi nên vận động người dân thiếu hiệu quả. Vì vậy, nên quy định quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại của người dân khi bị thu hồi đất theo đúng pháp luật.

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hội Luật gia TP.HCM cũng đã có văn bản gửi tới hội nghị, trong đó nêu một số đề xuất về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo Hội Luật gia TP, thực tế trong thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai có khi lên đến hàng chục năm (quy hoạch treo – PV). Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Nhà đất vướng quy hoạch trong trường hợp được phép chuyển nhượng thì cũng bị hạn chế về giá, không cho phép xây dựng, sửa chữa, gây thiệt hại cho dân, từ đó gây lãng phí tài nguyên đất, trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, sinh nhai… Vấn đề này người dân rất bức xúc nhưng chưa được Nhà nước giải quyết thỏa đáng.

Vì vậy, Hội Luật gia TP.HCM cho rằng dự thảo cần có quy định để tháo gỡ những bất cập này. Đơn cử như cần có cơ chế cho trường hợp đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi theo kế hoạch nhưng chưa thực hiện thì người dân vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch, đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm chế tài này khi xuất hiện các dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.

Dự án cứ mãi “treo” khiến người dân bức xức nhưng chưa được Nhà nước giải quyết thỏa đáng.

Định giá đất là mấu chốt của vấn đề

Góp ý về vấn đề tài chính đất đai, Hội Luật gia TP.HCM cho rằng dự thảo bãi bỏ quy định về “khung giá đất” là hoàn toàn hợp lý. Việc bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường thì Nhà nước và người dân đều có lợi. Đây là cuộc cách mạng, thay đổi về tư duy quản lý từ biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, theo Điều 154 dự thảo thì bảng giá đất chỉ áp dụng cho một số mục đích, còn các mục đích khác như bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền khi giao đất cho các tổ chức lại phải định giá cho từng dự án, sẽ phát sinh nhiều giá đất.

Nếu định giá đất bám sát giá thị trường thì hoàn toàn có thể giao đất trực tiếp mà không cần thiết phải đấu giá, đấu thầu. Nếu làm tốt khâu định giá đất thì mọi chế định sẽ tốt theo, từ thu hồi đất, giao đất, đấu giá, đấu thầu… Ngược lại, nếu định giá đất không tốt sẽ phát sinh bất cập, tranh chấp, bất bình đẳng xã hội ở bất kỳ khâu nào, thu hồi đất thì bất công; đấu giá, đấu thầu thì lợi ích nhóm…

Vì vậy, vấn đề xây dựng giá đất tiệm cận với giá thị trường là mấu chốt của vấn đề trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Vai trò của cơ quan nhà nước trong trường hợp này là cần tập trung nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thông tin về đất đai, tăng cường chất lượng công tác định giá để định giá đất sát với giá thị trường, góp phần xây dựng thị trường bất động sản công bằng, minh bạch, lành mạnh, hài hòa lợi ích của các bên.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Thủy (Chủ tịch Hội Luật gia quận Bình Thạnh) cho biết dự thảo luật quy định về các trường hợp thu hồi đất có trường hợp thu hồi để phục vụ cho lợi ích phát triển xã hội; vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Theo bà, cần giải thích, làm rõ đối tượng thụ hưởng trong trường hợp này vì chỉ quy định vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích xã hội rất dễ bị lợi dụng.

Cạnh đó, vấn đề thu hồi đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo cũng cần quy định rõ hơn. Có rất nhiều trường hợp “núp bóng” tôn giáo để kinh doanh. Vì vậy, nên quy định rõ diện tích đất tôn giáo dùng thờ cúng là bao nhiêu, còn lại có thể thu tiền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Văn Dũng (Hội Luật gia huyện Hóc Môn) thì cho rằng có một kẽ hở khi cấp giấy hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là khi người dân gửi đơn khiếu nại thì ủy ban xã xác định là đất có tranh chấp và việc này sẽ bị dừng lại. Ông Dũng cho rằng phải có giấy của cơ quan nhà nước hoặc tòa án chứ không thể chỉ vì một lá đơn mà “giam” hết năm này tới năm khác.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn