Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Văn bản nổi bật tuần 03 năm 2024

Văn bản nổi bật tuần 03 năm 2024

Các chỉ số đặc thù với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Hướng dẫn xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức;…là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 15/01 – 21/01/2024.

1. Các chỉ số đặc thù với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

Ngày 14/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 62/2023/TT-BCA quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và khám sức khỏe đối với lực lượng Công an nhân dân.

Theo đó, chỉ số đặc thù với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân như sau:

– Đáp ứng quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 6 Thông tư 62/2023/TT-BCA :

+ Không nghiện các chất ma túy, tiền chất được quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất;

+ Màu và dạng tóc bình thường (theo Điều lệnh Công an nhân dân);

+ Không bị rối loạn sắc tố da, trừ trường hợp sạm da khu trú vùng má (rám má);

+ Không có lỗ bấm ở mũi và ở các vị trí khác trên cơ thể để đeo đồ trang sức. Đối với nam, không có lỗ bấm ở tai hoặc có lỗ bấm ở tai nhưng đã liền thành sẹo; đối với nữ, không có từ 02 lỗ bấm trở lên trên 01 tai hoặc chỉ có 01 lỗ bấm ở tai, các lỗ bấm khác ở tai đã liền thành sẹo;

+ Không có sẹo lồi co kéo ở vùng đầu, mặt, cổ, cẳng tay, bàn tay, bàn chân;

– Không tuyển đối với các trường hợp trên cơ thể có các vết trổ, vết xăm, kể cả phun xăm trên da có nội dung phản cảm, chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực; hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như: Mặt, đầu, cổ, từ 1/2 cánh tay trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống; hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.

Trường hợp các vết trổ, vết xăm, kể cả phun xăm trên da ở vị trí lộ diện nhưng diện tích không quá 02 (hai) cm2, số lượng không quá 01 hình xăm và không phản cảm hoặc đã tẩy xóa hình xăm, chữ xăm hoặc xăm lông mày, xăm môi thẩm mỹ đối với nữ thì xem xét tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

(Trong khi đó, trước đây tại Điều 6 Thông tư 45/2019/TT-BCA quy định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải bảo đảm các chỉ số đặc biệt sau:

– Không nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy.

– Màu và dạng tóc bình thường.

– Không bị rối loạn sắc tố da.

– Không có các vết trổ (xăm) trên da, kể cả phun xăm trên da.

– Không bấm lỗ ở tai (đối với nam), ở mũi và ở các vị trí khác trên cơ thể để đeo đồ trang sức.

– Không mắc các bệnh mạn tính, bệnh xã hội.

– Không có sẹo lồi co kéo ở vùng đầu, mặt, cổ, cẳng tay, bàn tay, bàn chân.)

Xem thêm Thông tư 62/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

2. Chính sách với người, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp

Đây là nội dung tại Thông tư 09/2023/TT-BTP ngày 29/12/2023 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

Theo đó, chế độ, chính sách đối với người, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp như sau:

– Việc thực hiện giám định tư pháp của công chức, viên chức, người lao động trong ngành tư pháp là hoạt động công vụ và được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

– Công chức, viên chức, người lao động trong ngành tư pháp; đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp; cá nhân, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định hoặc tích cực tham gia hoạt động giám định thì được Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời khen thưởng theo thẩm quyền.

– Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người thực hiện giám định có trách nhiệm bảo đảm thời gian và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định của cơ quan, tổ chức mình; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời khen thưởng đột xuất đối với người làm giám định của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định hoặc tích cực tham gia hoạt động giám định.

Xem thêm Thông tư 09/2023/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 29/12/2023.

3. Hướng dẫn xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức

Bộ Nội vụ ban hành Công văn 64/BNV-CCVC ngày 05/01/2024 xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Cụ thể, việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như sau:

* Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2)

– Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%;

– Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;

– Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.

* Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4)

– Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%;

– Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;

– Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.

Lưu ý: Việc xác định cơ cấu theo Công văn 64/BNV-CCVC ngày 05/01/2024 không bao gồm công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức quản lý.

Xem thêm Công văn 64/BNV-CCVC ban hành ngày 05/01/2024.

4. Bước chuẩn bị trong Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Ngày 04/01/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định 139-QĐ/TW về Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cụ thể, bước chuẩn bị trong Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư như sau:

– Thành lập đoàn kiểm tra và xây dựng kế hoạch kiểm tra:

+ Ủy ban Kiểm tra Trung ương căn cứ chương trình, kế hoạch kiểm tra hằng năm; chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng, ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đề cương báo cáo kết quả tự kiểm tra của đối tượng kiểm tra (khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kế hoạch kiểm tra thì kèm đề cương báo cáo).

+ Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra. Căn cứ tính chất, nội dung kiểm tra quyết định thành phần, số lượng thành viên đoàn kiểm tra. Phân công Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn kiểm tra. Kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, phương pháp, thời gian tiến hành… Thời gian kiểm tra không quá 180 ngày, trường hợp cần thiết có thể quyết định gia hạn thời gian nhưng không quá 60 ngày.

– Đoàn kiểm tra dự kiến lịch làm việc của đoàn, nội quy hoạt động phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đoàn kiểm tra; chuẩn bị các văn bản, tài liệu có liên quan.

– Văn phòng Trung ương Đảng bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết phục vụ đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

Xem thêm Quyết định 139-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 04/01/2024 và thay thế Quyết định 173-QĐ/TW ngày 08/7/2008.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn