Dịch Covid-19 kéo dài đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh vào thế khó, với nhiều hệ lụy. Đây cũng là thời điểm tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh nhiều.

Ưu tiên hòa giải

Theo TS Bùi Kim Hiếu, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Ngữ – Tin học TP HCM, hiện các bên tranh chấp bắt buộc lựa chọn phương án hạn chế tối đa mọi thiệt hại, đó là hòa giải. Cơ quan chức năng hay chuyên gia đều khuyến nghị doanh nghiệp (DN), cá nhân ưu tiên hòa giải khi giải quyết tranh chấp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại (TTTM) TP HCM kiêm Chủ tịch Trung tâm TTTM Luật gia Việt Nam, lưu ý DN nên cân nhắc “gõ cửa” TTTM, thay vì tòa án. Luật sư Hậu phân tích: “Ở Trung tâm TTTM Luật gia Việt Nam, DN sẽ tiết kiệm nhiều thời gian hơn đến tòa án vì thời gian làm việc giữa các bên diễn ra nhanh hơn, phần thủ tục rút gọn rất nhiều. Trọng tài chỉ xử một lần, không xử nhiều cấp như tòa án. DN có thể chủ động chọn trọng tài viên, địa điểm. Ngoài ra, Luật TTTM cho phép hội đồng trọng tài xử lý cả trường hợp bị đơn không theo kiện”.

Hòa giải thương mại chưa phát huy hết lợi thế - Ảnh 1.

Luật sư Vũ Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hội TTTM TP HCM, nhấn mạnh khi có thỏa thuận TTTM thì tòa án không thụ lý tranh chấp. Với trọng tài, đôi bên có quyền thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng. “Ví dụ, một công ty Việt Nam xích mích với một công ty nước ngoài, hai bên có thể thỏa thuận chọn pháp luật của một nước nào đó, có thể Anh, Mỹ hay Singapore…” – luật sư Vũ Trọng Khang chỉ rõ.

Vẫn cần “giải cứu”

Một chủ DN từng thua kiện tại một vụ tranh chấp thương mại tại tòa án bày tỏ băn khoăn về “sức mạnh hòa giải thương mại ngoài tòa án”. Theo chủ DN này, không ít DN đã không kịp vui sau phán quyết cuối cùng từ hội đồng trọng tài bởi phán quyết đó mất giá trị khi tòa án bác bỏ trong trường hợp bên còn lại khởi kiện ra tòa. Ngoài ra, việc không cho phép đương sự kháng cáo quyết định hủy phán quyết trọng tài tiếp tục là rào cản lớn đối với những nhà đầu tư nước ngoài muốn giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Như vậy, pháp luật cần điều chỉnh theo hướng tăng thẩm quyền đối với phán quyết do TTTM ban bố.

Liên quan đến vấn đề hủy phán quyết trọng tài, luật gia Đặng Gia Thành (Hội Luật gia TP HCM) đưa ra tình huống phán quyết bị hủy vì chứng cứ giả mạo. “Pháp luật hủy phán quyết trọng tài nếu nội dung phán quyết trái với nguyên tắc luật pháp cơ bản. Thế nhưng, chưa thấy văn bản nào giải thích chi tiết thế nào là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Thực tế, những nguyên tắc như thế hay xuất hiện một cách thiếu nhất quán, không rõ ràng nên cần phải có hướng dẫn cụ thể” – ông Đặng Gia Thành nói.

Hơn nữa, theo ông Đặng Gia Thành, Luật TTTM hiện hành khẳng định quyết định của tòa án về việc hủy phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Bên cạnh việc trao hội đồng trọng tài thẩm quyền “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, Luật TTTM lại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên tranh chấp. Đây là 2 quy định có phần trái ngược, chưa sát thực tế.

Còn theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam, pháp luật Việt Nam ít đề cập nguyên tắc bảo mật trong hòa giải thương mại trong khi DN luôn lo lắng thông tin họ cung cấp có thể trở thành chứng cứ chống lại họ sau hòa giải. Tháo gỡ gút mắc trên, nhiều quốc gia áp dụng nguyên tắc bảo mật. Vì vậy, cần gỡ rối bằng những điều, khoản cụ thể như: bằng chứng sử dụng trong quá trình hòa giải thương mại không được sử dụng làm bằng chứng chống lại các bên tại tòa…

Còn chồng chéo trong hệ thống pháp luật

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp, cho biết sau hơn 10 năm triển khai Luật TTTM và hơn 4 năm triển khai Luật Hòa giải thương mại, cả nước có 35 trung tâm trọng tài, 1 tổ chức văn phòng đại diện trọng tài quốc tế, 15 trung tâm hòa giải thương mại với 8 trung tâm trọng tài có chức năng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Về số liệu, nước ta đứng đầu khu vực Đông Nam Á, trong “top” nhóm nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tồn tại không ít hạn chế, nhất là sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Di Lâm