Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Khái niệm oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự

Khái niệm oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự

(LSVN) – Có thể hiểu một cách chung nhất, oan trong tố tụng hình sự là việc một người trên thực tế không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không cấu thành tội phạm nhưng đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Thế nào là oan, sai trong tố tụng hình sự?

Tố tụng hình sự là quá trình tiến hành giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Quá trình đó bao gồm nhiều hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án; của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, của người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Nhiệm vụ, mục đích của hoạt động tố tụng hình sự là phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Tuy nhiên, hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, hoạt động thi hành công vụ của các cơ quan nhà nước nói chung trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không tránh khỏi những sai sót hay những sai phạm nhất định dẫn tới làm phát sinh thiệt hại.

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự thì vấn đề quan trọng phải xác định đúng đối tượng được bồi thường. Trên thực tế, khi nhắc tới những sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự, thông thường hay nói tới các trường hợp bị oan, sai. “Oan”, theo nghĩa thông thường là “bị quy cho tội mà bản thân không phạm, phải chịu sự trừng phạt mà bản thân không đáng phải chịu”[1] hay theo Từ điển tiếng Việt, “oan” là một người “bị quy tội không đúng, phải chịu sự trừng phạt một cách sai trái, vô lý”[2]. Còn dưới góc độ khoa học tố tụng hình sự, có quan điểm như sau:

“Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra được bồi thường thiệt hại bao gồm:

– Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

– Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

– Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định trên đây mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội (người bị khởi tố nhưng được tại ngoại)”[3].

Một khái niệm cũng tương đối gần với khái niệm “oan” mà hay được nhắc tới đó là khái niệm “sai”. Theo Từ điển tiếng Việt thì “sai” được hiểu là “không phù hợp với cái hoặc điều có thật, mà có khác đi”. Trong tố tụng hình sự, việc giải quyết vụ án sai là trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách không khách quan, trái với những quy định của pháp luật. Nói cách khác, “sai” trong tố tụng hình sự được hiểu là tính chất của hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không đúng với quy định của pháp luật, không đáp ứng được yêu cầu khách quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Hiện nay trong hệ thống pháp luật nước ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào xác định các tiêu chí đánh giá oan, sai trong các giai đoạn tố tụng hình sự, cũng chưa đưa ra khái niệm oan, sai. Theo giải thích nêu trên thì khái niệm “sai” có phạm vi rộng hơn so với khái niệm “oan”, việc làm “oan” người vô tội luôn là hệ quả của “sai”. Không phải trường hợp hành vi ‘sai’ của cơ quan tiến hành tố tụng đều dẫn đến việc làm “oan” người vô tội.Tuy nhiên, việc phân biệt thế nào là “oan”, “sai” trong hoạt động tố tụng hình sự là một vấn đề phức tạp cả về mặt lý luận cũng như pháp luật thực định. Thực tiễn lập pháp cho thấy, pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không phân biệt hai khái niệm “oan”, “sai” mà chỉ quy định các trường hợp được bồi thường thiệt hại. Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm và phạm vi của “oan” như sau:

– Thứ nhất, “oan” là trường hợp người không thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giam, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nội hàm của khái niệm này chỉ ra rằng chỉ những người bị giữ, bị bắt, tạm giam, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng sau đó được xác định rằng họ không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của họ không cấu thành tội phạm mới được xác định là “oan”.

– Thứ hai, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà được coi là bị oan là người hoàn toàn không có hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm luật hình sự và các ngành luật khác: hành chính, lao động, dân sự, kinh tế…).

– Thứ ba, người bị bắt, người bị tạm giữ oan là người thực tế không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự; còn các hành vi vi phạm khác như vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đối với người bị tạm giam, bị thi hành án oan là những người có hoặc không có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, đã được các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không phạm tội do không cấu thành tội phạm hoặc được tòa án tuyên bố không phạm tội.

Từ những nhận định trên, theo tác giả, có thể hiểu một cách chung nhất: Oan trong tố tụng hình sự là việc một người trên thực tế không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, không cấu thành tội phạm nhưng đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự

Về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam từ rất sớm như tại Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Bộ luật Dân sự 1995 tại các Điều 623 và 624. Để cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, ngày 03/5/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/CP về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Sau đó, để cụ thể hóa Điều 29, 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, ngày 17/3/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Nhằm ban hành một văn bản luật quy định đầy đủ, toàn diện về các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, ngày 18/6/2009, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN năm 2009), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.

Việc ban hành Luật là thực hiện một chủ trương lớn của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp, thể hiện rõ bản chất Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tạo ra hệ thống cơ sở pháp lý tương đối hoàn chỉnh trong việc bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Có thể khẳng định rằng, Luật TNBTCNN năm 2009 đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình góp phần phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, của người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, sau 07 năm thi hành, đất nước đã có nhiều thay đổi về yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính trên đất nước ta[4].Thực tế đó đã làm cho Luật TNBTCNN năm 2009 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu của tình hình mới.

Nhằm sửa đổi, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật TNBTCNN năm 2009, ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 (Luật TNBTCNN năm 2017), Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 sửa đổi tương đối toàn diện. Riêng về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, Luật TNBTCNN năm 2017 vừa có sự kế thừa quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 vừa có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như phần trên đã nêu, ở Việt Nam, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể như thế nào là trường hợp bị “oan”, “sai”. Luật TNBTCNN năm 2009 và 2017 chỉ quy định cụ thể các trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo quy định tại Điều 18 Luật TNBTCNN, các trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, bao gồm:

(1) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

– Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ là các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan, người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự tiến hành nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở hoạt động điều tra, tạo điều kiện cho người điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ bước đầu, xác định tính chất hành vi của người bị tình nghi thực hiện tội phạm đối với vụ án hình sự hoặc để bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Trên thực tế, những trường hợp này được coi là không có căn cứ, không cần thiết, được coi là bị oan và được bồi thường khi lý do để hủy quyết định tạm giữ là do người bị giữ, bị bắt, bị tạm giữ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, các trường hợp này phải không vi phạm quy định của pháp luật nói chung (pháp luật hình sự, quản lý hành chính, dân sự, lao động,…).

(2) Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự do các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án áp dụng nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo trốn tránh pháp luật. Biện pháp tạm giam được áp dụng đối với những người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử và thi hành án hình sự. Nói cách khác, đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Tuy vậy, biện pháp tạm giam không phải áp dụng cho tất cả bị can, bị cáo mà nó chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể được quy định tại Điều 119 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Như vậy, biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự, nó ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi chính trị, quyền tự do của con người. Người bị tam giam bị cách ly với xã hội, bị hạn chế một số quyền công dân. Do đó, để bảo đảm quyền của người bị tạm giam, Luật TNBTCNN đã quy định khi người bị tạm giam có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì người bị tạm giam được Nhà nước bồi thường do họ bị tạm giam oan.

(3) Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Ngoài quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 (tại khoản 4 Điều 18) thì theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự tại điểm d khoản 2 Điều 260, thì: “Nếu bị cáo không có tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và việc giải quyết khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật”.

(4) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Đây là trường hợp một người tuy không bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam hoặc không bị kết án phạt tù có thời hạn nhưng họ đã bị khởi tố, truy tố, xét xử và thi hành án, hay nói cách khác họ cũng đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng bằng các quyết định tố tụng đặc trưng của mình khẳng định họ là người có tội và có thể đã buộc họ phải chịu hình phạt (cảnh cáo, hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú, hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản…). Do đó, khi có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường.

(5) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.

Đây là trường hợp một người theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị tuyên là phạm nhiều tội trong cùng một vụ án và đã chấp hành hình phạt tù nhưng sau đó bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội. Do đó, khi hình phạt mà người đó phải chấp hành ít hơn thời gian mà họ đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.

(6) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành.

(7) Người bị xét xử bằng nhiều bản án, tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành.

(8) Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Đây là một trường hợp mới hoàn toàn so với quy định của Luật TNBTCNN năm 2009. Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung thêm trường hợp này cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đối với một số tội phạm nhất định.

(9) Cá nhân, tổ chức có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý, có tài khoản bị phong tỏa hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 18 Luật TNBTCNN bị thiệt hại.

Đây là những trường hợp không phải bị “oan”, nhưng có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý, có tài khoản bị phong tỏa hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến các trường hợp bị “oan” (những trường hợp được Nhà nước bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự nêu trên) thì cũng được bồi thường.

[1] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr 744.

[2] Nguyễn Như Ý (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr 1.269.

[3] Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2005), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

[4] Chính phủ (2016), Tờ trình số 336/TTr-CP ngày 23/9/2016 về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), tr 1.

KHÁNH HUYỀN – Nguồn website lsvn.vn

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn