Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Chờ bị đơn xin lỗi công khai khó như thi hành án tiền tỉ

Chờ bị đơn xin lỗi công khai khó như thi hành án tiền tỉ
(PLO)- Chi cục Thi hành án dân sự TP Cà Mau xác nhận chưa thể thi hành án trong việc buộc một người phải xin lỗi theo bản án của tòa.

Đã sáu tháng qua, chị Võ Thị Kim Thoa (ngụ phường 4, TP Cà Mau) nỗ lực yêu cầu thi hành bản án buộc một phụ nữ phải xin lỗi công khai mình. Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự TP Cà Mau đã chính thức trả lời chị là “bó tay”, vì người bị buộc xin lỗi cứ lánh mặt.

Khởi kiện vì bị xúc phạm danh dự

Đầu năm 2022, chị Thoa khởi kiện chị TTNT (ngụ phường 6, TP Cà Mau) về hành vi đã đăng phát trên mạng xã hội các nội dung và clip xúc phạm mình. Cụ thể, chị Thoa có chứng cứ chứng minh chị T đã chửi mình là “lấy trai bị chồng bắt gặp nên chồng ly dị”, còn vu khống ăn trộm hàng hóa, chửi gia đình chị Thoa.

Chờ bị đơn xin lỗi công khai khó như thi hành án tiền tỉ ảnh 1
Chị Võ Thị Kim Thoa hy vọng sớm được xin lỗi công khai. Ảnh: TRẦN VŨ

Cho rằng danh dự bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tinh thần sa sút, việc kinh doanh hàng hóa online bị mất thu nhập lớn, vì vậy chị Thoa yêu cầu tòa tuyên buộc chị T phải xin lỗi công khai mình và bồi thường thiệt hại gần 19 triệu đồng. Số tiền yêu cầu bồi thường bao gồm tiền bồi thường danh dự nhân phẩm gần 16 triệu đồng và 4 triệu đồng tiền chi phí đi lại, thuê luật sư tư vấn, soạn đơn từ.

Tòa án hai cấp sơ và phúc thẩm tỉnh Cà Mau đã xét xử vào tháng 4 và tháng 8-2022, đều tuyên buộc chị T phải xin lỗi công khai chị Thoa và bồi thường một khoản tiền. Cụ thể, cấp sơ thẩm tuyên buộc bồi thường tiền danh dự, nhân phẩm là hơn 7 triệu đồng. Chị Thoa sau đó kháng cáo đòi thêm tiền chi phí và được tòa phúc thẩm chấp nhận, buộc chị T bồi thường thêm cho chị Thoa 4 triệu đồng tiền chi phí, tổng cộng là hơn 11 triệu đồng.

Phải chờ để… được xin lỗi

Sau phiên phúc thẩm ngày 2-8-2022, chị Thoa đã có đơn yêu cầu THA nhưng mãi đến nay vẫn chưa thể thi hành được phần nội dung xin lỗi công khai.

Chiều 10-2-2023, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Lộc, chấp hành viên thụ lý thi hành bản án trên, cho biết hồ sơ đã được xếp vào nhóm chưa có điều kiện THA.

Thông tin về quá trình triển khai thi hành bản án, ông Lộc nói đã làm đầy đủ các bước THA theo trình tự luật định. Về phần tiền bồi thường danh dự, nhân phẩm và chi phí, ông Lộc đã thực hiện việc phong tỏa các tài khoản ngân hàng của chị T và cưỡng chế thu hồi được hơn 1 triệu đồng.

Riêng phần xin lỗi công khai thì chưa thực hiện được. “Chúng tôi đã đến nơi cư trú của chị T ở phường 6, TP Cà Mau nhiều lần nhưng chị không có ở đây. Địa chỉ cư trú ghi trong bản án là nhà của cha mẹ chị T nhưng hiện chị này ở đâu thì không ai biết, bao gồm cả chính quyền địa phương và người được THA. Từ đó hồ sơ thi hành bản án này đành phải tạm gác lại, chờ khi nào xác định được nơi ở của chị T thì chúng tôi tiếp tục THA” – ông Lộc nói.

Ông Lộc cho biết thêm: “Theo điểm b khoản 2 Điều 118 Luật THA dân sự hiện hành, trường hợp này chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Tuy nhiên, luật định về tội không chấp hành án theo Điều 380 BLHS 2015 quy định là đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội này. Do không gặp được chị T, không lập biên bản xử phạt hành chính được nên chúng tôi chưa đủ điều kiện kiến nghị khởi tố hình sự”.

Trước câu hỏi của PV về việc có phải chỉ cần lánh mặt chấp hành viên là có thể thoát được việc thi hành bản án buộc xin lỗi công khai hay không, ông Lộc cho biết đơn vị này sẽ báo cáo nghiệp vụ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, có những quy định chống lại việc lánh mặt để né xin lỗi công khai.

Ông Lộc cũng thông tin thêm trường hợp này không có quy định về thời hiệu, thời hạn THA. Tức bất kỳ thời gian nào trong tương lai, cơ quan THA biết được chị T ở đâu đều mở hồ sơ buộc THA lời xin lỗi công khai.

Vắng mặt vẫn có thể lập biên bản vi phạm hành chính

Theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 118/2021 quy định về ký biên bản và lập biên bản vi phạm hành chính, trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh thì biên bản vi phạm hành chính phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm. Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Như vậy, trong trường hợp người vi phạm cố tình trốn tránh thì vẫn có thể tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.

Về vấn đề giao biên bản vi phạm hành chính, do người vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản hoặc có căn cứ để xác định đang trốn tránh việc nhận biên bản vi phạm hành chính, theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 12 Nghị định 118/2021 và Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan ra quyết định xử phạt sẽ tiến hành niêm yết biên bản vi phạm tại nơi cư trú của người vi phạm. Việc niêm yết trong trường hợp này vẫn được coi là biên bản đã được giao.

Sau khi thực hiện các thủ tục lập biên bản trong trường hợp vắng mặt người vi phạm xong thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành ra quyết định xử phạt và xử lý các bước tiếp theo theo quy định.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn