Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TTXVN |
Theo cấp phúc thẩm, có căn cứ cho thấy việc ông Thăng chỉ định thầu với Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – PVC tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là trái chỉ đạo của Thủ tướng. Ông Thăng đã gây sức ép với cấp dưới để chỉ đạo tạm ứng cả nghìn tỷ đồng cho PVC khi chưa có điều khoản thanh toán, hướng dẫn tạm ứng nêu trong hợp đồng.
Lời khai của cựu tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận và nhiều người có liên quan cho thấy việc ký hợp đồng 33 là để tạm ứng tiền giúp PVC tháo gỡ khó khăn. Tất cả đều có sự chỉ đạo của ông Thăng.
Tòa phúc thẩm đánh giá việc kháng cáo xin xem xét lại tội danh của ông Thăng là “không có căn cứ chấp nhận”. Lập luận của bị cáo cùng luật sư là không có cơ sở pháp lý.
Cựu tổng giám đốc Phùng Đình Thực được giảm 3 năm tù
Ông Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN |
Với cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực, tòa cho rằng ông không chỉ thiếu trách nhiệm trong kiểm tra giám sát mà còn biết rõ hợp đồng 33 không đủ cơ sở pháp lý nhưng vẫn cùng ông Thăng và cựu phó tổng giám đốc PVC Nguyễn Quốc Khánh chỉ đạo ký.
Tòa phúc thẩm đánh giá việc áp dụng hình phạt tù giam với ông Thực là cần thiết, song xem xét giảm một phần mức án do hoàn cảnh thực hiện dự án Thái Bình 2 có sự chỉ đạo sát sao của ông Thăng, công việc đã được ủy quyền cho Nguyễn Quốc Khánh. Hơn nữa, có lúc ông Thăng chỉ đạo trực tiếp ông Khánh mà không thông qua ông Thực.
Tòa ghi nhận việc ông Thực được nhà nước đánh giá đặc biệt xuất sắc với 70 công trình khoa học, tác giả của ba bằng sáng chế, là chuyên gia dầu khí, Viện sĩ Viện Hàn lâm dầu khí, sức khỏe nhiều vấn đề… Từ khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục các công trình nghiêm cứu khoa học và gia đình bồi thường một tỷ đồng..
HĐXX giảm án cho ông Thực từ 9 năm xuống 6 năm tù.
Không giảm án để răn đe nhóm bị cáo tham ô
‘Rút ruột’ dự án để phục vụ các sếp PVC đi lễ, tết. Đồ họa: Tạ Lư |
Tòa phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo, giữ mức phạt của tòa sơ thẩm với bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu trưởng ban tài chính – kế toán PVN), Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVC), Lương Văn Hòa (cựu giám đốc ban quản lý dự án Vũng Áng – Quảng Trạch), Vũ Hồng Chương (cựu trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2), Trần Văn Nguyên (cựu kế toán trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2), Bùi Mạnh Hiển (cựu chánh văn phòng PVC).
Đánh giá bị cáo Nguyễn Quốc Khánh khắc phục hậu quả nhiều nhất, có nhiều thành tích khoa học, gia đình có công với cách mạng chưa được cấp sơ thẩm xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, cấp phúc thẩm giảm từ 9 năm tù xuống 7 năm.
Tòa giảm một năm tù cho hai bị cáo Vũ Đức Thuận, Lê Đình Mậu; giảm 6 tháng tù với bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (cựu phó tổng giám đốc PVC) và Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó chủ tịch PVC). Cấp phúc thẩm đánh giá bị cáo Tiến không có vai trò trong việc sử dụng tiền sai mục đích tại PVC.
Với nhóm bị cáo phạm tội Tham ô tài sản, Tòa phúc thẩm đánh giá hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, có sự móc nối, hoạt động có tổ chức, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng là chưa đánh giá hết tính chất nghiêm trọng.
Tòa phúc thẩm vì thế giữ nguyên hình phạt để răn đe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong tình hình chống tham nhũng hiện nay.
Sau bản án sơ thẩm, 15 trong 22 bị cáo đã kháng cáo. Trước hôm mở phiên toà phúc thẩm, ông Trịnh Xuân Thanh rút toàn bộ kháng cáo. Bị cáo Trương Quốc Dũng (cựu phó tổng giám đốc PVC) cũng rút kháng cáo tại phần nói lời sau cùng.
>> Hình phạt với 13 bị cáo theo phán quyết của tòa phúc thẩm
Bản án xác định cuối năm 2007, PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đầu năm sau, Tập đoàn này giao cho công ty con là Điện lực Dầu khí (PVPower) làm chủ đầu tư. Để tạo điều kiện cho Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), ngày 22/1/2010, ông Thăng xin Thủ tướng đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai cần được chỉ định thầu và được chấp nhận. Bản án nhận định, biết PVC không đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, cũng chưa làm thủ tục chọn nhà thầu song cuối năm 2010, ông Thăng đã chỉ định công ty con này làm tổng thầu của dự án điện nói trên. Ngày 28/2/2011, PVC và PVPower đã nhận chỉ đạo và ký Hợp đồng tổng thầu EPC số 33 dù chưa đủ cơ sở pháp lý. Ngay sau đó, Trịnh Xuân Thanh khi đó là Chủ tịch HĐQT PVC chỉ đạo cấp dưới lập công văn gửi PVPower đề nghị tạm ứng 72 triệu USD. Do không có vốn nên cùng ngày này, chủ tịch PVPower Đỗ Chí Thanh đã ký công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ quý I/2011 cho PVPower để có tiền tạm ứng cho PVC. Với lý do PVPower không đủ năng lực làm chủ đầu tư, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ông Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo hợp đồng EPC. PVN sau đó tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng, trái với các quy định của Nhà nước. Việc này tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng sai mục đích hơn 1.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 119 tỷ đồng. Với tội Tham ô tài sản, nhà chức trách nêu tháng 7/2011, ông Nguyễn Anh Minh được phân công phụ trách Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch (ở Hà Tĩnh). Các ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa chuyển tiền để họ sử dụng. Từ ngày 28/9/2011 đến ngày 23/02/2012, Lương Văn Hòa đã cùng cấp dưới hợp thức hồ sơ quyết toán bốn hạng mục khống. Nhà chức trách cho rằng, Lương Văn Hòa câu kết với Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) lập, ký bốn hợp đồng khống thuê công ty này thi công các hạng mục để rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành. |