Hôm ấy, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án tranh chấp đất đai của những người trong cùng dòng họ. Tài sản tranh chấp có diện tích khoảng 650 m2, được đại diện nguyên đơn và bị đơn đồng thuận gọi là “nghĩa trang gia tộc”.

Một người qua đời, tranh chấp bắt đầu

Theo hồ sơ vụ án, nghĩa trang gia tộc nằm trên mảnh đất có diện tích hơn 2.800 m2 do bà N.T.A tạo lập. Bà N.T.A và ông N.X có 1 người con chung tên N.T.C. Sau khi bà N.T.A mất, ông N.X cưới bà T.T.H và về sinh sống tại đây, có 3 người con chung là bà T.T.N, bà T.T.S và ông N.H.

Bà N.T.C có 2 người con là bà N.T.L và ông N.T.K. Năm 1995, gia tộc đồng thuận chia mảnh đất hơn 2.800 m2 thành 5 phần cho các con, cháu làm đất ở và sản xuất nông nghiệp. Ông N.H, con trai út, được chia hơn 650 m2, trong đó bao gồm khu mộ tập trung để tiện chăm sóc, nhang khói.

Vì đất mất tình thân - Ảnh 1.

Năm 2002, ông N.H xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho căn nhà 72,8 m2 thuộc mảnh đất ông đã được giao. Thời gian trôi qua, các con cháu trong dòng tộc lớn lên, lập gia đình sống quây quần bên nhau, êm ấm, thuận hòa. Năm 2017, ông N.T.K qua đời, cuộc tranh chấp đất đai bắt đầu.

Theo nguyên đơn, thời điểm ông N.T.K mất, địa phương không cho chôn trên đất nghĩa trang gia tộc nữa. Bấy giờ họ mới biết quận thay đổi quy hoạch, có kế hoạch chuyển đổi một phần đất nghĩa trang thành đất phi nông nghiệp, đất ở đô thị. Cho rằng mảnh đất 650 m2 không còn là nghĩa trang gia tộc nên bà N.T.L phát đơn kiện yêu cầu ông N.H (em cùng cha khác mẹ của mẹ bà N.T.L và là cậu của bà – PV) giao lại quyền quản lý và sử dụng khu đất này cho bà vì mảnh đất do bà ngoại của bà tạo lập nên.

Trong khi đó, ông N.H cho rằng năm 1995, gia tộc đã đồng thuận chia vĩnh viễn mảnh đất hơn 2.800 mthành 5 phần cho các con, cháu nên không ai được quyền khiếu nại.

Nhiều tình tiết bất ngờ

Trước thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, nguyên đơn là bà N.T.L qua đời, 2 người con bà N.T.L quyết theo vụ kiện đến cùng nhưng có thay đổi yêu cầu khởi kiện. Trước tòa, đại diện nguyên đơn mong muốn chia phần đất này cho họ (2 con của bà N.T.L – PV) sử dụng vì theo quy hoạch của địa phương, đây không còn là đất mồ mả nữa.

Không những thay đổi yêu cầu khởi kiện, đại diện nguyên đơn còn “tiết lộ” nhiều tình tiết bất ngờ khiến những người thân có mặt tại tòa thảng thốt.

“Đây là đất của bà cố tôi tạo lập. Ông N.H không phải là con của ông cố tôi với bà T.T.H nên không có vai trò gì trong gia tộc, không được chia phần. Thỏa thuận năm 1995 xem như không ý nghĩa gì” – đại diện nguyên đơn khẳng định.

Lập luận này khiến 2 người già ngồi bên kia “chiến tuyến” là ông N.H và bà T.T.S giật mình. HĐXX yêu cầu đại diện nguyên đơn và bị đơn trình bày rõ mối quan hệ của ông N.H trong gia tộc.

Hai người con bà N.T.L quay sang nhìn nhau rồi trả lời: “Theo má tôi nói, ông N.H không phải con của ông cố nhưng là con ai thì bà không biết, tôi chỉ biết có vậy”. Bấy giờ bà T.T.S vịn tay vào ghế đứng lên, nhìn thẳng về phía 2 người cháu, môi lắp bắp: “Từ hồi má tôi về ở trên đất này, bà ngoại nó (bà N.T.C – PV) đã mất, má nó mới 3 tuổi, một tay má tôi nuôi nấng hết. Cha mẹ mất hết, đất được chia đều, phần cha mẹ ông bà để lại, tụi nó bán hết, chỉ có khu nghĩa trang này chưa dám đụng tới. Bây giờ tụi nó đặt điều nói ông N.H không phải con ông cố nó. Để được chia luôn cái nghĩa trang, đến ông bà mình, tụi nó cũng chối bỏ”.

Ông N.H lúi húi mở tập tài liệu đem theo, lấy ra một tờ giấy chứng nhận là con ông N.X và bà T.T.H. Ông khẳng định: “Tôi là con của ông N.X và bà T.T.H, ngày trước không có giấy khai sinh nhưng trích lục, giấy tờ từ trước đến nay đều thể hiện rõ ràng. Đừng đặt điều nói xằng bậy” – ông N.H bức xúc, nói oang oang lấn át tiếng bàn luận của 2 người cháu.

“Vậy hiện nay trên mảnh đất này có bao nhiêu ngôi mộ?” – chủ tọa hỏi đại diện nguyên đơn. Hai người con bà L. nhìn nhau bối rối.

“Ai sống trên đời cũng phải có tổ tiên, nguồn cội. Vậy mà bao nhiêu người trong dòng họ đã nằm xuống, tụi nó cũng đâu có quan tâm” – ông N.H ngán ngẩm.

Bước vào phần tranh luận, 2 người con bà N.T.L một lần nữa thay đổi yêu cầu khởi kiện cho biết nếu được chia theo nguyện vọng, họ sẽ rút yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất mà ông N.H đã cất nhà.

Còn ông N.H vẫn kiên quyết không đồng ý chia đất. Ông nói: “Đất đã chia năm 1995, phần tụi nó đã bán hết thì không được đòi hỏi thêm. Gia tộc đã giao cho tôi quản lý, chăm nom mồ mả, tôi có trách nhiệm và bổn phận bảo vệ nguyên vẹn nơi yên nghỉ của cha mẹ và những người trong dòng tộc của mình, không ai được xâm phạm”.

Nghe ông nói, phía bên kia băng ghế, đại diện nguyên đơn mím môi im lặng. Những hậm hực, bực tức như đang nghiền nát mối quan hệ máu mủ của những người trong cùng một dòng tộc.

HĐXX khoanh vùng khu vực có mộ, chia phần còn lại cho bà N.T.L, ông N.T.K và chị em ông N.H (có tên trên biên bản thỏa thuận năm 1995); không hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất cất nhà của ông N.H.

Ý Linh